Cà phê là một trong những thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên toàn thế giới. Có rất nhiều thông tin về những lợi ích tuyệt vời khi uống cà phê. Hãy cùng Hương Bảo tìm hiểu rõ hơn cà phê có lợi ích và tác động đến cơ thể như thế nào để có lựa chọn thưởng thức phù hợp nhất.
Cà phê là một trong những thức uống được yêu thích nhất trên toàn thế giới
Cà phê là một hỗn hợp phức tạp của các loại hợp chất. Ngoài những chất được biết đến phổ biến như caffein, polyphenol - hợp chất chống oxy hoá có trong thực vật, cà phê còn chứa các axit hữu cơ, lipid, lượng nhỏ các loại khoáng chất như magie, kali,... Thành phần các chất trong tách cà phê là kết quả của sự lựa chọn loại hạt cà phê, phương pháp rang và cách pha chế. Ở mỗi cá nhân, mức độ phản ứng của cơ thể đối với cà phê có sự khác nhau đáng kể. Hãy cùng Hương Bảo tìm hiểu rõ hơn về những thông tin lợi ích tuyệt vời của cà phê đối với cơ thể.
1. Giúp tỉnh táo và tăng khả năng tập trung
Ngoài lí do yêu thích hương thơm và mùi vị, đối với nhiều người, cà phê trở thành thức uống không thể thiếu vì giúp họ tỉnh táo và phấn chấn hơn. Caffeine là một trong những thành phần tạo nên vị đắng của cà phê, và đồng thời là một loại chất kích thích tác động lên hệ thần kinh trung ương. Adenosine là hormone có tác dụng làm chậm hoạt động của tế bào thần kinh và giúp cơ thể cảm thấy buồn ngủ. Sau khi uống, caffein được hấp thụ vào máu, đưa đến não và ngăn chặn liên kết của adenosine với các thụ thể thần kinh. Khi đó, cơ thể sẽ báo hiệu tăng sản xuất adrenaline (là loại hormone làm tăng nhịp tim khi con người cảm thấy phấn khích khi tức giận hoặc thích thú) và dopamine (thường được gọi là hormone hạnh phúc). Lượng caffeine thích hợp sẽ giúp tỉnh táo và tăng khả năng tập trung.
Cà phê giúp tỉnh táo và tăng khả năng tập trung
Tuy nhiên, với lượng caffeine cao hơn có thể gây những tác động tiêu cực như lo lắng, bồn chồn, mất ngủ và tăng nhịp tim. Nếu thường xuyên dung nạp caffein, cơ thể sẽ tạo ra thêm nhiều thụ thể thần kinh để liên kết với adenosine, báo hiệu cần nghỉ ngơi. Vì vậy, cơ thể sẽ phải cần nhiều caffein hơn để có được cảm giác tỉnh táo tương tự. Mặc dù với liều lượng vừa phải được xem là an toàn, nhưng caffeine có khả năng gây nghiện. Khi dừng sử dụng caffeine đột ngột, lượng hormone adenosine tồn đọng sẽ khiến cơ thể tăng cảm giác buồn ngủ, đau đầu và mệt mỏi. Các triệu chứng mạnh nhất trong vòng vài ngày sau khi ngưng dùng caffeine, nhưng có xu hướng giảm dần sau khoảng một tuần.
>> Tìm hiểu thêm về hàm lượng caffeine trong cà phê Arabica và Robusta
2. Giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm
Các giả thuyết và nghiên cứu cho rằng viêm mô thần kinh, stress oxy hoá đóng vai trò quan trọng đối với trầm cảm và rối loạn lo âu. Cà phê chứa caffeine và các polyphenol chống oxy hoá, có thể làm giảm tình trạng viêm của tế bào thần kinh và giảm stress oxy hoá. Điều này giúp giảm bớt một số triệu chứng khó chịu mà trầm cảm mang lại. Tuy nhiên, cần chú ý liều lượng phù hợp với cơ thể mỗi người là khác nhau.
Cà phê với liều lượng phù hợp giúp giảm bớt một số triệu chứng khó chịu mà trầm cảm mang lại
3. Giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson và Alzheimer
Bệnh Parkinson là một rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ. Hiện nay, nguyên nhân cụ thể gây bệnh Parkinson vẫn chưa được xác định rõ. Những nghiên cứu phát hiện hàm lượng dopamine trong cơ thể của người bệnh bị giảm đi đáng kể. Dopamine có tác dụng dẫn truyền tín hiệu giữa các sợi thần kinh trong não và giữ vai trò trong việc cử động, phối hợp động tác của cơ thể. Theo độ tuổi, lượng dopamine có xu hướng giảm ở người già.
Caffeine kích thích cơ thể sản xuất dopamine. Đồng thời, caffeine trong cà phê đã được tìm thấy trong các nghiên cứu tế bào và ở động vật có tác dụng giúp bảo vệ các tế bào não sản xuất dopamine. Có bằng chứng nhất quán từ các nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ caffeine có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Tiêu thụ caffeine có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson
Đối với bệnh Alzheimer, các nghiên cứu chưa thể kết luận được về tác dụng của cà phê. Nhìn chung, các kết quả đều hướng tới tác dụng bảo vệ của caffeine chống lại chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer. Cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để có thể kết luận về tác dụng của cà phê đối với bệnh Alzheimer.
4. Giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2
Caffeine kích thích cơ thể sản xuất hormone adrenaline, khiến gan và mô cơ giải phóng lượng glucose dự trữ vào máu, tạm thời làm tăng lượng glucose trong máu. Tuy nhiên, việc tiêu thụ caffeine thường xuyên không liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trên thực tế, theo nghiên cứu dài hạn cho thấy rằng uống cà phê thường xuyên có mối liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Cà phê decaf còn gọi là cà phê khử caffeine cũng cho hiệu quả tương tự. Các nghiên cứu quan sát cho thấy rằng caffeine có thể bảo vệ và duy trì chức năng của các tế bào beta trong tuyến tụy, nơi có nhiệm vụ sản xuất insulin. Các polyphenol (hợp chất chống oxy hoá) và khoáng chất như magiê trong cà phê có thể góp phần cải thiện hiệu quả quá trình chuyển hóa insulin và glucose trong cơ thể.
Thức uống thêm đường, kem, sữa làm mất đi những lợi ích cho sức khoẻ của một ly cà phê đen cơ bản
5. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ
Caffeine là chất kích thích ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra các phản ứng khác nhau ở mỗi người. Cà phê và caffein thường được xem là có hại cho tim mạch vì gây tăng nhịp tim và huyết áp tạm thời ở những người nhạy cảm hoặc không thường tiêu thụ caffeine. Những người mắc chứng rối loạn lo âu hoặc hoảng sợ tiềm ẩn đặc biệt có nguy cơ bị kích thích quá mức khi nạp quá nhiều caffeine. Tuy nhiên, các nghiên cứu không cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ caffeine và rung nhĩ (nhịp tim bất thường), bệnh tim hoặc đột quỵ. Đồng thời, các kết quả nghiên cứu đã kết luận rằng uống cà phê với lượng phù hợp có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ. Cà phê decaf (không chứa caffeine) cũng cho hiệu quả tương tự.
Uống cà phê với lượng phù hợp có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ
Phương pháp pha chế cũng có ảnh hưởng đến tác dụng của cà phê đối với giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Phương pháp pha cà phê ép (espresso), cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, cà phê Hy Lạp chứa nhiều cafestol, làm tăng lượng cholesterol trong máu. Trong khi đó, phương pháp cà phê lọc (pha nhỏ giọt) hầu như không chưa cafestol vì đã được loại bỏ trong quá trình lọc. Nếu bạn có lượng cholesterol cao và không muốn thức uống yêu thích gây thêm vấn đề nên lựa chọn phương pháp cà phê lọc.
>> Xem thêm các loại cà phê với cách pha khác nhau.
6. Giảm nguy cơ mắc ung thư
Nhiều nghiên cứu cho rằng có mối liên quan giữa việc uống cà phê và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư nội mạc tử cung và ung thư tuyến tiền liệt.
Chất polyphenol chống oxy hoá trong cà phê có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư
Vẫn chưa kết luận rõ thành phần nào của cà phê có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh ung thư. Caffeine có thể không phải là thành phần có tác dụng chống lại ung thư. Vì các nghiên cứu chỉ ra rằng không có mối liên quan giữa uống trà xanh (loại thức uống có chứa cafeine) và giảm nguy cơ ung thư gan. Trên một số nghiên cứu ở động vật, các chất polyphenol chống oxy hoá trong cà phê đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy cà phê decaf cũng cho hiệu quả tương tự.
Kết quả nghiên cứu từ Viện Nghiên Cứu Ung thư Hoa Kỳ kết luận rằng uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và ung thư gan. Đối với các loại ung thư khác, kết quả không đầy đủ và nhất quán để kết luận. Tuy nhiên, theo Đại học Y khoa Trung Quốc viết rằng “nam giới có thể được khuyến khích uống cà phê để giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt”.
Tuy nhiên, đã từng có tranh cãi về acrylamide hình thành trong quá trình rang cà phê. Acrylamide được tạo ra từ một loại axit amin và đường khi chế biến ở nhiệt độ cao, cũng được tìm thấy trong khoai tây chiên, bánh mì nướng, bánh quy, ngũ cốc và trong các sản phẩm thuốc lá. Acrylamide đã từng được Cơ Quan Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Tế phân loại là "chất có thể gây ung thư" chủ yếu dựa trên các thí nghiệm ở động vật. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng để kết luận mối liên hệ giữa cà phê và gây ung thư vì hàm lượng thấp acrylamide trong cà phê không có khả năng gây ra bệnh ung thư trên cơ thể người. Cuối cùng, trước khi đưa ra khuyến nghị chung về cà phê và phòng chống ung thư, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để nâng cao hiểu biết về lượng và mức độ tiêu thụ thường xuyên, loại cà phê và cách pha chế, chẳng hạn như thêm sữa hoặc đường, ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ ung thư.
7. Đốt cháy calo, giúp giảm cân
Caffeine ức chế cơn đói, tăng cường cảm giác no, tăng phân hủy tế bào mỡ
Caffeine thường được thêm vào các chất giảm cân để giúp “đốt cháy calo”. Caffeine có thể giúp tăng cường năng lượng nếu một người cảm thấy mệt mỏi khi hạn chế lượng calo nạp vào và làm giảm cảm giác thèm ăn tạm thời. Caffeine kích thích hệ thần kinh giao cảm, ức chế cơn đói, tăng cường cảm giác no, tăng phân hủy tế bào mỡ để sử dụng làm năng lượng. Tuy nhiên, có thể cần một lượng lớn caffein để có thể “đốt cháy” một lượng ít calo. Lượng calo bổ sung từ đường, kem, hoặc sữa được thêm vào cà phê sẽ nhanh chóng bù đắp lượng calo được “đốt cháy”. Đến nay, không có nhiều bằng chứng cho thấy cà phê sẽ giúp giảm cân đáng kể.
8. Giảm nguy cơ sỏi mật
Sỏi cholesterol túi mật là một trong các loại sỏi phổ biến nhất thường xảy ra tại túi mật. Caffeine hoặc các thành phần trong cà phê có thể ngăn ngừa cholesterol hình thành các trong túi mật, kích thích các cơn co thắt trong túi mật và tăng dòng chảy của mật để cholesterol không tích tụ. Các kết quả nghiên cứu đã kết luận rằng uống cà phê có khả năng giảm nguy cơ sỏi mật. Các khuyến nghị chỉ kết luận về tác dụng ngăn ngừa, và có thể sẽ không có lợi ích gì nếu đã hình thành sỏi mật.
9. Tổng quan
Mỗi người có khả năng dung nạp và phản ứng với cà phê khác nhau, một phần do sự khác biệt về gen. Một số người được khuyến cáo nên hạn chế uống cà phê bao gồm những người có các vấn đề về đường ruột như trào ngược axit, những người khó ngủ và những người huyết áp cao hoặc đang có các vấn đề về tim. Trẻ em và phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú cũng được khuyên không tiêu thụ caffeine. Nếu bạn cần cắt giảm lượng caffeine tiêu thụ, hãy giảm từ từ trong vài tuần, dần dần chuyển sang cà phê decaf và lưu ý caffeine cũng xuất hiện trong trà, nước ngọt giải khát, socola,…
Nhiều nghiên cứu về lợi ích cà phê chỉ được thực hiện trên việc uống cà phê đen
Lưu ý, nhiều nghiên cứu về lợi ích cà phê chỉ được thực hiện trên việc uống cà phê đen. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, cần hỏi ý kiến chuyên gia nếu đang có các vấn đề về sức khỏe. Với các thông tin làm rõ hơn về những lợi ích tuyệt vời của cà phê, Hương Bảo hi vọng bạn sẽ có lựa chọn phù hợp với sở thích và sức khoẻ bản thân, để có thể thưởng thức tách cà phê yêu thích trọn vẹn nhất.
>> Xem thêm các sản phẩm Cà phê tại Hương Bảo
Nguồn tham khảo:
https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/food-features/coffee/
https://www.sciencedirect.com/coffee-consumption-and-risk-of-liver-cancer
https://www.nytimes.com/2021/01/21/well/eat/coffee-tied-to-lower-risk-of-prostate-cancer.html
https://www.cancer.org/latest-news/coffee-and-cancer-what-the-research-really-shows
https://bmccancer.biomedcentral.com/articles/coffee-drinking-and-cancer-risk
https://kduoc.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/78/5745/nghien-cuu-hoa-thuc-vat-va-tac-dung-chong-tram-cam-cua-tinh-dau-can-tay