21.07.2021

Cách phân biệt cà phê Arabica và Robusta

Bạn đang muốn tìm hiểu về cách phân biệt cà phê Arabica và Robusta hay đang muốn so sánh giữa Arabica và Robusta loại nào ngon hơn? Hãy cùng Hương Bảo tìm hiểu những khác biệt cơ bản của hai loại cà phê phổ biến nhất thế giới trong bài viết này.

 

Cách phân biệt cà phê Arabica và Robusta

Cách phân biệt cà phê Arabica và Robusta

1. Điều kiện trồng

Điều kiện trồng là đặc điểm đầu tiên để phân biệt cà phê Arabica và Robusta. Ngoài loại cây giống, các yếu tố tự nhiên như cao độ sinh trưởng, chất lượng đất, điều kiện khí hậu, lượng mưa,… có tác động rất lớn đến chất lượng và hương vị hạt cà phê.

So sánh giữa Arabica và Robusta

So sánh giữa Arabica và Robusta

Cà phê Arabica thường được trồng ở độ cao trên 600-2200m, lượng mưa trung bình hàng năm 1200-2200mm/năm, nhiệt độ thích hợp từ 15- 24ºC. Cà phê Arabica còn được gọi là cà phê chè, do loại cà phê này có lá nhỏ, cây có một số đặc điểm hình thái giống như cây chè.

Cà phê Rosbusta thường được trồng ở độ cao 0-800m, lượng mưa hàng năm trung bình trên 2200-3000mm, nhiệt độ thích hợp từ 18-36ºC. Cà phê Robussta còn được gọi là cà phê vối do cây có lá to, dài, mỏng, mép phiến lượn sóng rõ rệt, trông hơi giống lá vối.

2. Hình dáng hạt cà phê

Dựa vào hình dáng hạt để phân biệt cà phê Arabica và Robusta

Dựa vào hình dáng hạt để phân biệt cà phê Arabica và Robusta 

Một trong những cách phân biệt cà phê Arabica và Robusta khác là dựa vào hình dáng hạt bên ngoài.

  • Hạt cà phê Arabica có hình elip, rãnh ở giữa thường có hình lượn sóng. 
  • Hạt cà phê Robusta thường nhỏ hơn so với Arabica, hình dáng hơi tròn, rãnh ở giữa thường có đường thẳng.

>> Tìm hiểu thêm về lịch sử cà phê Arabica và Robusta Việt Nam

3. Hàm lượng cafein, đường và chất béo (lipid)

Sự khác biệt về thành phần hoá học bao gồm hàm lượng cafein, đường và chất béo (lipid) trong hạt cà phê tạo nên những khác biệt đặc trưng giữa cà phê Arabica và Robusta.

 

Thành phần tạo nên vị đắng là caffein và axit chlorogenic, được cho là có tác dụng ngăn chặn côn trùng trên cây cà phê. Với hàm lượng gấp đôi so với Arabica, cà phê Robusta sinh trưởng mạnh mẽ, ít sâu bệnh và được biết đến với vị đắng, gắt, độ mạnh đặc trưng.

 

Bảng tỷ lệ (%) của lipid và đường trong mỗi loại cà phê nói chung (Nguồn: coffeechemistry)

Bảng tỷ lệ (%) của lipid và đường trong mỗi loại cà phê nói chung (Nguồn: coffeechemistry)

Bên cạnh đó, hạt cà phê Arabica chứa hàm lượng chất béo (lipid) cao hơn và lượng đường gần gấp đôi so với hạt cà phê Robusta. Điều này góp phần tạo nên sự phong phú trong hương thơm và mùi vị của cà phê Arabica.

4. Hương vị cà phê

Đặc trưng về hương và vị của cà phê Arabica và Robusta là kết quả của sự khác biệt về loại giống, điều kiện sinh trưởng, thành phần hoá học và phương pháp chế biến.

Cà phê Arabica có vị chua thanh đặc trưng xen lẫn vị đắng dịu nhẹ cùng với hậu vị ngọt. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào từng loại giống Mocha, Catimor, Bourbon hay Typica… sẽ tạo nên các tầng lớp vị chua, đắng, ngọt khác nhau. Cùng với sự phong phú về vị, hương thơm quyến rũ khi pha chế là đặc điểm khiến Arabica được yêu thích, chiếm 70% lượng cà phê tiêu thụ trên toàn thế giới.

Arabica được yêu thích bởi sự phong phú về vị, hương thơm quyến rũ khi pha chế

Arabica được yêu thích bởi sự phong phú về vị, hương thơm quyến rũ khi pha chế 

Cà phê Robusta đặc trưng với vị đắng, gắt. Hương thơm và vị chua của cà phê Robusta ít hơn so với cà phê Arabica. Dù chiếm tỉ lệ không cao trong lượng cà phê tiêu thụ toàn cầu, nhưng Robusta là loại cà phê hoàn hảo với các món đặc trưng của cà phê Việt Nam như cà phê phin đen, cà phê sữa đá, cà phê trứng,… được mọi người trong nước và quốc tế yêu thích.

Robusta là loại cà phê hoàn hảo với các món đặc trưng của cà phê Việt Nam

Robusta là loại cà phê hoàn hảo với các món đặc trưng của cà phê Việt Nam

Tuỳ thuộc vào sở thích riêng của mỗi người, cà phê Arabica và Robusta được phối trộn theo những tỉ lệ nhất định để tạo ra các công thức cà phê hấp dẫn. Do đó, khẩu vị cá nhân là câu trả lời phù hợp nhất khi so sánh cà phê Arabica và Robusta loại nào ngon hơn.

>> Xem thêm về Uống cà phê đúng cách để có lợi cho sức khỏe

5. Tổng quan về cà phê Arabica và Robusta ở Việt Nam 

Theo số liệu từ Tổ chức cà phê thế giới (The International Coffee Organization -ICO), Brazil là quốc gia đứng đầu thế giới về tổng sản lượng cà phê, và đồng thời về riêng sản lượng Arabica trong hơn 150 năm qua.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về tổng sản lượng cà phê và đứng thứ nhất trên thế giới về riêng sản lượng cà phê Robusta.

Cà phê Việt Nam

Cà phê Việt Nam

Diện tích trồng cà phê Robusta ở Việt Nam chiếm hơn 90%, cà phê Arabica chiếm hơn 6%, còn lại là cà phê Liberica (cà phê mít) chiếm chưa đến 1%. Cà phê Robusta được trồng nhiều tại các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột), Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai,… Cà phê Arabica được trồng chủ yếu tại Lâm Đồng (Cầu Đất), Quảng Trị, Điện Biên và Sơn La,… với các loại giống cà phê Mocha, Bourbon, Catimor, Typica cho ra những đặc trưng hương vị cà phê khác nhau.

Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức cà phê chất lượng cao ngày càng tăng trên toàn thế giới, cà phê Việt Nam đang ngày càng được mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng. Với những đặc điểm cơ bản phân biệt cà phê Arabica và Robusta, Hương Bảo mong bạn có được góc nhìn khái quát và tìm được loại cà phê phù hợp nhất với sở thích của mình.

>> Xem thêm các loại cà phê Arabica và Robusta tại Hương Bảo

 

 

Nguồn tham khảo:

https://www.coffeechemistry.com/differences-arabica-and-robusta-coffee

https://vi.wikipedia.org/wiki/Cà_phê_chè 

https://www.worldatlas.com/articles/top-coffee-producing-countries.html